Hiệu quả từ mô hình hùn vốn xoay vòng của Hội Phụ nữ xã Trường Khánh
Với mục tiêu xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong hội viên Phụ nữ, giúp nhau cùng tiến bộ, nhất là vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Khánh, huyện Long Phú, đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, trong đó nổi bật nhất là mô hình hùn vốn xoay vòng, đã giúp cho chị em phụ nữ từng bước ổn định cuộc sống.
Hơn 05 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Khánh, luôn duy trì và phát huy hiệu quả 07 Tổ hùn vốn xoay vòng, với hơn 100 chị em hội viên phụ nữ tham gia, với số tiền hùn vốn được lên đến 123 triệu đồng (mỗi tháng các thành viên trong tổ chỉ hùn vốn 100 ngàn đồng). Cứ đến đầu tháng, các thành viên trong tổ họp một lần, ngoài tuyên truyền và thực hiện nhiệm công tác hội, các chị em trong tổ đóng tiền hùn vốn và tổ chức bốc thăm xoay vòng, ai bốc trúng được thăm thì lấy số tiền hùn vốn đó, để xây dựng mô hình làm ăn phát triển kinh tế hộ và sau đó góp từng tháng trả lại. Chỉ với 100.000 đồng mỗi tháng, đến nay các chị em thành viên tổ hùn vốn đã xây dựng được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, điều đáng nói, lúc chưa hình thành được mô hình hùn vốn xoay vòng này, hơn 100 chị em đều thuộc diện hộ nghèo, hoặc hộ cận nghèo, nhưng cho đến nay, tất cả các chị em là thành viên của tổ hùn vốn xoay vòng đều đã thoát nghèo, thậm chí có một số chị em còn vươn lên khá giả trong xóm. Mô hình này tuy không mới, nhưng là cách làm hay của chị em phụ nữ là thành viên tổ hùn vốn xoay vòng ở xã Trường Khánh, trong phát huy vai trò phụ nữ chung tay hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hàng quán bán bún và cà phê sáng của gia đình chị Vũ Thị Hoàng Hoa.
Chị Lâm Bích Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Khánh, nhận định: “Mô hình hùn vốn xoay vòng đã phát huy hiệu quả khi ngày càng có nhiều chị em phụ nữ đồng thuận tham gia. Không phân biệt hội viên thuộc hộ khấm khá hay hội viên còn khó khăn, tất cả cùng bình đẳng tham gia hùn vốn phát triển kinh tế, những mô hình này đã giúp nhiều chị em có được chi phí để tái đầu tư sản xuất, buôn bán, sinh hoạt, tích lũy thu nhập, nuôi con ăn học, sửa sang nhà cửa, ....”
Đơn cử như Chi hội Phụ nữ ở ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh, các chị em trong tổ đã duy trì mô hình này đã hơn 05 năm qua và đa số chị em đều thoát nghèo. Trường hợp như gia đình chị Vũ Thị Hoàng Hoa, ngụ ấp Trường Thành B, khi tham gia vào tổ hùn vốn xoay vòng của Chi hội phụ nữ ấp, chị nhận được số tiền là 1,4 triệu đồng (do 14 thành viên trong tổ hùn vốn), chị mua sắm bàn, ghế, tô, chén, ... mở tiệm bán thức ăn sáng. Chị Hoàng Hoa chia sẻ: “Nhờ có đồng vốn, tôi bán bún nước lèo cho bà con trong xóm vào mỗi buổi sáng, dần dần thấy bán được, tôi bán thêm bún bì, bún ca ri, rồi bán thêm nước đá, cà phê, nước ngọt, ... mỗi buổi sáng cũng kiếm thêm 2 – 3 trăm, nhờ tiết kiệm dần tôi sửa sang nhà cửa, mở rộng thêm quán, mua sắm tiện nghị phục vụ việc buôn bán và nuôi con ăn học, cuộc sống gia đình không còn thiếu trước hụt sau nữa”. Một trường hợp khác, cũng ở ấp Trường Thành B, gia đình chị Trần Thị Hươl, sau khi nhận được đồng vốn, vợ chồng chị đi mua bán trái cây. Tận dụng lợi thế của địa phương, bởi xã Trường Khánh có rất nhiều nông dân chuyên trồng các loại cây ăn trái quanh năm, thuở đầu vợ chồng chị đi đến từng vườn ổi, cam, quít, xoài, bưởi, đu đủ, vườn bắp, dưa hấu, ... mỗi thứ 5 – 7 kg, đem ra chợ Trường Khánh bán, (vì lấy công làm lời, bỏ thêm sức đến tận vườn để mua), nên các mặt hàng trái cây của chị đều tươi, ngon, ngọt, đặc biệt là giá cả vừa phải, nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, từ đó sạp hàng trái cây của chị, số lượng cứ tăng lên theo từng ngày. Chị Hươl vui vẽ cho biết: “Ở quê trái cây tươi ngon, giá bán vừa phải, nên bà con ủng hộ, mỗi sáng cũng kiếm được vài trăm, một phần giành để nuôi con ăn học, một phần dành dụm để thuê đất trồng cỏ nuôi bò kiếm thêm thu nhập”.

Cảnh buôn bán trái cây của chị Trần Thị Hươl.
Cũng từ đồng vốn 100 ngàn đồng mỗi tháng, chị Trần Thị Út, ở ấp Trường Hưng, thực hiện mô hình (quán cà phê và buôn bán nhỏ), hơn 05 năm qua, cuộc sống của gia đình chị nay đã khá giả, không còn lo cái ăn, cái mặc như những năm trước nữa, chị Út tâm sự: “Là phụ nữ nên mình luôn ý thức xây dựng tổ ấm cho gia đình mình. Muốn làm được như vậy thì phải cùng chồng con phát triển sản xuất, tích lũy thu nhập, trang trải cuộc sống. Mô hình hùn vốn xoay vòng trong chị em phụ nữ rất có ích, mỗi tháng chỉ cần tiết kiệm 100 ngàn đồng thôi, mình đã cùng nhau chia sẻ gánh nặng kinh tế, tương trợ nhau cùng vươn lên”. Có nhiều chị em khác, khi nhận được đồng vốn xoay vòng, có chị thì cải tạo đất, mua cá giống, tận dụng miếng đất bỏ trống xung quanh nhà trồng rau, nuôi gà, vịt, nuôi cá, có chị thì mua hạt giống để bắt đầu sản xuất mùa vụ mới, .... Tuy số tiền hùn vốn nhận được không lớn nhưng đủ để chị em và những hội viên trong tổ tích lũy, chăm lo, vun vén cho gia đình nhỏ của mình. 100 ngàn đồng mỗi tháng là số tiền không lớn đối với khả năng của mỗi gia đình chị em, nhưng nó vừa tạo được cái thói quen tiết kiệm cho mỗi gia đình, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn với chị em trong tổ. Đồng vốn ít nhưng ý nghĩa khi các thành viên trong tổ tận dụng khoản thu nhập từ buôn bán thức ăn sáng, sạp trái cây, quán cà phê, hay tạp hóa, ... Đặc biệt, là mỗi khi nhận được khoản tiền hùn vốn xoay vòng, đã giúp thêm nghị lực cho các chị có thêm tinh thần vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
“Đối với xã Trường Khánh, phong trào hùn vốn xoay vòng, giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, luôn nhận được sự quan tâm của các cấp hội, đặc biệt là chính hội viên khi tham gia. Hành động nhỏ, nhưng thiết thực khi các chị em đã hình thành được thói quen tiết kiệm, hùn vốn nhỏ nhưng tạo ra nhiều phần việc ý nghĩa, không chỉ giúp ích cho chính gia đình mình, mà còn có thể hỗ trợ những gia đình khác. Tin tưởng rằng, thời gian tới, chị em phụ nữ tại địa phương sẽ lan tỏa nhiều hơn phong trào này, để mỗi chị là một thành viên tiêu biếu phát huy vai trò phụ nữ trong thời đại mới; chủ động phát triển kinh tế bền vững, góp phần tích cực giúp xã nhà sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hướng đến kiểu mẫu”. Chị Lâm Bích Trinh chia sẻ thêm.